BÀI GIỚI THIỆU SÁCH: “GIỚI THIỆU TÓM TẮT CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA THỊ XÃ HOÀI NHƠN”

          Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh!

          Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, là một trong những vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hoài Nhơn, vùng đất đi đầu và chịu nhiều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Nơi đây, trong kháng chiến chống Pháp, năm 1930, Chi bộ Đảng Cửu Lợi được thành lập; phong trào đấu tranh, biểu tình chống thực dân phong kiến sớm diễn ra, điển hình là cuộc biểu tình tại Cây Số 7 - Tài Lương đã đi vào lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Nhơn là một trong những chiến trường ác liệt, căng thẳng kéo dài, ta và địch luôn đấu nhau trong thế trận giằng co. Mỹ, ngụy đã dồn về đây các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và binh lực hùng hậu gồm nhiều sắc lính Mỹ, lính ngụy; chúng trút xuống đây bom đạn các loại, có nơi giặc bắn phá dày đặc đến mức đất đá phải nhão ra thành bùn, bụi; chúng tiến hành hàng ngàn trận càn quét, đánh đập người dân rất dã man. Vì thế, đất mẹ Hoài Nhơn đã phải đau đớn ôm vào lòng mình hơn 11 ngàn liệt sĩ đã nằm xuống (xếp thứ nhì toàn quốc/đơn vị huyện) và "cất giữ" một phần thân thể của hơn 8.000 thương binh đã hiến dâng để bảo vệ vùng đất thiêng liêng này. 

Ác liệt, khó khăn như thế nhưng Đảng bộ, quân và dân Hoài Nhơn vẫn đứng vững trên tuyến đầu đánh giặc, giải phóng hoàn toàn quê nhà vào ngày 28/3/1975, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, Hoài Nhơn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 28 tập thể, 30 cá nhân và hơn 2.000 mẹ Việt Nam Anh hùng và trên 12 ngàn người có công với nước. 45 năm sau chiến tranh, những con người nơi đây đã làm cho Hoài Nhơn thay da đổi thịt, trở thành một đô thị mới hứa hẹn nhiều tiềm năng của tỉnh Bình Định. Đó là công lao và niềm tự hào của người dân Hoài Nhơn trong một phần của lịch sử giữ và dựng nước.

 

            Hiện nay trong quá trình đổi mới, với sự tác động của nền kinh tế thị trường ngoài những thuận lợi còn có nhiều mặt hạn chế tạo thành nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến môi trường cảnh quan và giá trị của các di tích. Bởi vậy, việc tuyên truyền sâu rộng, trước mắt cũng như lâu dài về di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn sẽ góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của địa phương. Và Lịch sử hình thành, phát triển của Hoài Nhơn cũng được phản ánh một phần qua các di tích lịch sử, văn hóa đó.

Với ý nghĩa đó Thị ủy – Ban Tuyên giáo Thị ủy Hoài Nhơn đã tiến hành biên tập và giới thiệu tập sách “Giới thiệu tóm tắt các di tích lịch sử - văn hóa Thị xã Hoài Nhơn” tính đến tháng 8/2020. Sách sẽ trở thành tài liệu tuyên truyền, thuyết minh thiết thực và bổ ích cho người dân địa phương, các công ty lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và nhất là khách du lịch đã, đang và sẽ đến tham quan du lịch tại Hoài Nhơn, góp phần tuyên truyền lịch sử Thị xã đến gần hơn với công chúng, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ các di tích lịch sử.

Ngoài ra, việc tuyên truyền sâu rộng, trước mắt cũng như lâu dài về di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh sẽ góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc là hết sức cần thiết và quan trọng.

Đến nay, trên địa bàn thị xã có 16 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp Quốc Gia và 13 di tích cấp tỉnh, với hơn 2/3 là di tích lịch sử cách mạng.

            Cuốn sách được in tại Công ty in Nhân dân Bình Định. Sách được in số lượng 1.300 cuốn, trên khổ giấy 14,5x20,5cm; gồm có 99 trang. Bìa cuốn sách thật nổi bật với những hình ảnh như phía trên là họa tiết chim lạc trên trống đồng, ở phía dưới bìa sách là hình ảnh các di tích lịch sử: Tàu không số, đền thờ Đào Duy Từ, Cây số 7 Tài Lương, Cấm An Sơn, nhà thờ Thác Đá Hạ.

           

Lật giở qua những trang đầu của cuốn sách, chúng ta tiếp tục tìm hiểu nội dung chính bên trong. Tài liệu giới thiệu 16 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó 3 di tích cấp Quốc Gia được giới thiệu trước :

  1. Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ
  2. Di tích địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương
  3. Di tích Chiến thắng Đồi 10

Và sau đến 13 di tích cấp tỉnh:

  1. Di tích nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi
  2. Di tích Cấm An Sơn
  3. Di tích bãi biển Lộ Diêu
  4. Di tích chiến thắng chợ Cát năm 1949
  5. Di tích thảm sát Ngã Ba Đình
  6. Di tích thảm sát tại Nhà thờ Thác Đá Hạ
  7. Di tích trận tập kích trụ sở ngụy quyền xã Hoài Tân năm 1960
  8. Di tích trận tập kích trụ sở ngụy quyền xã Hoài Sơn năm 1961
  9. Di tích Mộ Cống Quận Công Trần Đức Hòa
  10. Di tích chiến thắng Đệ Đức
  11. Di tíchTrạm Phẫu Huyên đội Hoài Nhơn
  12. Động Cườm di tích văn hóa Sa Huỳnh
  13. Di tích địa đạo Gò Quánh

Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về: vị trí, lịch sử hình thành, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn thị xã, giúp cho những người làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, du lịch và du khách tham quan hiểu sâu hơn về lịch sử, con người, văn hóa thị xã.

Trong những di tích trên, tôi đặc biệt xin giới thiệu đến quý thầy cô, các em học sinh một di tích rất gần với ngôi trường chúng ta, nằm trên địa bàn xã Hoài Mỹ - Di tích Trạm Phẫu Huyên đội Hoài Nhơn.

 

Trạm Phẫu, một trạm y tế được Huyện đội Hoài Nhơn xây dựng ngày 20/11/1971 trong rừng núi Xuân Vinh, thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), là điểm điều trị cho thương binh. Xung quanh khu vực chữa bệnh và bếp ăn là những căn hầm công sự bí mật mà bình thường địch không thể nhận ra. Nơi đây đã cứu sống hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện hết sức khó khăn với y cụ thô sơ, thuốc chữa bệnh thiếu thốn. Trạm Phẫu ngoài việc khám chữa bệnh cho các chiến sĩ, còn là nơi đào tạo các cán bộ y tế cho Đại đội 1, Đại đội 2, và Đại đội 82 của Huyện đội Hoài Nhơn.

Sáng 24/2/1972, khi được cảnh giới địch càn thì Trạm Phẫu đã phân công từng người đưa thương binh xuống hầm bí mật. Nhưng không thể ngờ, một người được chọn đào hầm tên Giới, đã bị Mỹ ngụy chiêu hồi. Theo chỉ dẫn của tên này, địch đến chính xác từng cửa hầm, từng lỗ thông gió để đánh mìn, lựu đạn, giết hại 17 người trong đó có 9 cán bộ y tế và nhân viên đang làm nhiệm vụ, 8 thương binh đang điều trị, chỉ còn lại 7 đồng chí.

Năm 1998, chính quyền địa phương đã di dời hài cốt các anh, chị về nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Năm 2014, TTXVN lần đầu tiên thông tin về Trạm Phẫu nêu rõ quá trình hình thành, lịch sử bi tráng tại nơi đây.

Trạm Phẫu là địa chỉ đỏ, có giá trị về lịch sử sâu sắc. Mặc cho khó khăn, gian khổ, điều kiện thiếu thốn và luôn phải đối đầu với bom đạn của kẻ thù nhưng các đồng chí y sĩ, y tá và nhân viên của Trạm Phẫu vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng hy sinh để bảo vệ, điều trị thương binh cho các đơn vị chiến đấu trong cuộc kháng chiến trường kì chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng những sự kiện xảy ra vẫn còn đó trong kí ức các chiến sĩ cách mạng và nhân dân nơi đây.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, năm 2013-2014 Thị ủy, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn đã đầu tư phục dựng khu Di tích Trạm Phẫu.

Ngày 26/01/2018, di tích được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là sự tri ân, ghi nhớ công lao và những đóng góp thầm lặng của lực lượng quân – dân – y thị xã Hài Nhơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đây chỉ là một trong số những di tích nổi tiếng trên địa bàn thị xã. Những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân ở địa phương đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Năm 2018 đến nay, từ nhiều nguồn đầu tư, TX Hoài Nhơn đã tu bổ, tôn tạo 4 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, gồm: Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào chiến trường Khu 5 (giai đoạn 1 - xã Hoài Mỹ); di tích Nhà bia căm thù trên cơ sở chứng tích Bia căm thù hiện có thuộc di tích vụ thảm sát tại nhà thờ Thác Đá Hạ (phường Hoài Đức); di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương (phường Hoài Thanh Tây) và di tích Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (phường Tam Quan Nam).

Bên cạnh những câu chuyện bi hùng của các di tích ấy, thì sau ngày 30/4/1975, Hoài Nhơn đứng trước nhiều thách thức mới bởi hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, như người lính đã dạn dày trong chiến đấu, 45 năm sau giải phóng, Đảng bộ, và nhân dân Hoài Nhơn qua các thời kỳ đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức, cùng nhau xây dựng lại quê hương. Để hôm nay, ta có một Hoài Nhơn thay đổi diệu kỳ; một Hoài Nhơn đã thay áo mới với hơi thở nhịp sống của sắc màu đô thị, đậm đà vị mặn của biển cả, ngát hương thơm, rợp màu xanh của đồng nội - núi rừng và một Hoài Nhơn giàu tiềm năng!

45 năm sau chiến tranh, mảnh đất Hoài Nhơn anh hùng trong kháng chiến đã và đang trên đà thay đổi phát triển không ngừng. Hoài Nhơn đã trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ chung của tỉnh Bình Định. Chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ Hoài Nhơn sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chính trị của mình để đưa Hoài Nhơn phát triển hơn nữa và sớm vươn lên đạt đô thị loại 3 trong thời gian không xa.

            Trong phạm vi thời gian có hạn, tôi không thể kể hết, mời quý thầy cô, các em học sinh tìm đọc thêm thông tin ở cuốn sách “Giới thiệu tóm tắt các di tích lịch sử - văn hóa Thị xã Hoài Nhơn” đang có tại thư viện trường để tìm hiểu rõ hơn về các di tích lịch sử - văn hóa, cũng như hiểu thêm về con người, về mảnh đất Hoài Nhơn anh dũng, tươi đẹp này nhé!

Chuyên đề giới thiệu sách xin được kết thúc. Xin chào quý thầy cô và các em, chúc quý thầy cô và các em một tuần mới thật vui và nhiều sức khỏe!